Nhóm tính cách 2: Hướng ngoại

Nhóm tính cách 2: Hướng ngoại

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tính cách

Nhóm tính cách thứ hai: Hướng ngoại (Extraversion)

1.Nét tính cách nổi bật:

Hòa đồng/thoải mái với đơn độc/kín đáo

2.Khái niệm:

Hướng ngoại phản ánh xu hướng và cường độ tìm kiếm sự tương tác với xã hội của một người. Yếu tố này còn phản ánh loại môi trường giúp cá nhân lấy lại năng lượng.

3. Đặc điểm nổi bật:

Đặc điểm cả người hướng ngoại có thể thấy thông qua bề rộng của các hoạt động và mối quan hệ của họ trong xã hội. Người hướng ngoại luôn có hứng thú với những nơi đông người, những buổi tiệc tùng hay họp mặt. Họ cảm thấy đây là nơi sẽ đem lại cho họ năng lượng, do vậy họ thích tìm kiếm và cần những nguồn kích thích từ bên ngoài. Người hướng ngoại thường hăng hái, nhiệt tình, theo trường phái hành động, làm trước nghĩ sau, thích nói chuyện và khẳng định mình, mong muốn thay đổi cả thế giới hơn là hiểu về nó. Những người này thường hoạt bát, dễ hiểu, dễ tiếp cận, luôn xuất hiện với sự thoải mái và tự tin nhất. Tràn trề sức sống chính là những gì ta có thể cảm nhận được từ một người hướng ngoại.

Đối lập với hướng ngoại là người hướng nội. Đây là những người không thích những nơi đông người, sẽ cảm thấy kiệt sức khi phải giao tiếp quá nhiều, họ gặp khó khăn khi bắt đầu cuộc hội thoại và thường suy nghĩ cẩn thận mọi thứ trước khi nói chuyện. Nếu người hướng ngoại tìm thấy nguồn năng lượng trong những buổi tiệc tùng, những nơi đông người thì ở một mình chính là cách mà người hướng nội nạp năng lượng. Một số từ thường gắn với người hướng nội là lạnh lùng, trầm uất, cô độc. Tuy nhiên họ hướng nội không đồng nghĩa với việc họ không thân thiện hay phản xã hội mà họ cẩn thận hơn, kín đáo hơn và suy nghĩ nhiều hơn trong các tình huống cũng như mối quan hệ trong xã hội. Dè dặt, trầm tư, thích suy nghĩ và đào sâu về nó cũng như thích lắng nghe hơn so với việc thể hiện bằng lời nói.

4. Áp dụng kết quả

Liên hệ cuộc sống

– Hướng ngoại là những người tràn đầy năng lượng, bởi vậy nó thường đi kèm với những tính từ tích cực như thoải mái, tự tin, năng động, nhiệt huyết,… Tuy nhiên hãy biết hướng ngoại có điểm dừng. Ví dụ như việc mở rộng các mối quan hệ sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc, tuy vậy đừng quên việc đào sâu, chăm chút cho một vài mối quan hệ thân thiết. Họ sẽ là người bên cạnh bạn những lúc khó khăn nhất đấy. Bên cạnh đó hãy nghĩ kỹ trước khi nói cũng đừng để sự “thân thiện quá mức” của mình gây ra những rắc rối cho bản thân và người khác.

– Nếu mức điểm của bạn trong mục này nói lên bạn là người hướng nội, hãy xem xét lại điểm của bạn đang ở mức độ nào nhé. Không nhất thiết bạn phải thay đổi con người mình để làm một người hướng ngoại, nhưng nếu điểm số quá thấp thì bạn sẽ gặp phải nhiều rắc rối đấy. Việc quá hướng nội khiến bạn tách ra khỏi đám đông. Trong công việc bạn cần phải tiếp xúc với nhiều người, có nhiều mối quan hệ cũng như liên tục làm việc nhóm. Việc quá khép kín sẽ khiến việc kết nối giữa bạn và phần còn lại trở nên khó khăn hơn. Không phải ai cũng có thể hiểu tính cách của bạn, nhưng đừng để bản thân mình cô lập, bạn sẽ gặp rắc rối từ việc bị hiểu sai, bị xa lánh hay tiến chậm hơn trong sự nghiệp. Điểm cộng cho người hướng nội là việc bạn rất sâu sắc, suy nghĩ nhiều cũng như tỉ mỉ, cẩn thận. Tận dụng tốt những đặc điểm này là lúc bạn có cho mình kết quả công việc tốt cùng những mối quan hệ vững bền.
– Hãy biết hướng nội và hướng ngoại hợp lý. Bạn không cần thay đổi bản thân mình thành một người hướng nội hay hướng ngoại, nhưng hãy học cách cải thiện những yếu điểm của mỗi nét tính cách để dễ dàng hơn trong cuộc sống.

Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp

– Người hướng ngoại với sự nhiệt tình, nhanh nhẹn và khả năng giao tiếp cho phép họ lựa chọn rất nhiều ngành nghề khác nhau. Như tài ăn nói hay việc yêu thích mở rộng mối quan hệ sẽ là điểm cộng rất lớn khi bạn tham gia sale, tiếp thị hay quan hệ quần chúng. Ngoài ra tư vấn viên, hướng dẫn viên hay tổ chức sự kiện,… đều là những môi trường năng động rất thích hợp với đặc trưng tính cách hướng ngoại là thích di chuyển, thích giao tiếp và làm quen với mọi người.

– Vậy người hướng nội thì sao? Đừng lo lắng, có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn. Đặc điểm dễ thấy ở người hướng nội là việc họ thích ở một mình, do vậy hiệu suất công việc cũng sẽ tăng khi bản thân họ được chủ động làm công việc của mình. Một số nghề như biên tập, những nghề về viết lách, thiết kế hay lập trình, kế toán, hay thậm chí là những ngành về nghệ thuật, khoa học…đều đòi hỏi rất cao về khả năng làm việc độc lập, đề cao cái tôi, nét đặc sắc của cá nhân. Đây là những ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của người hướng nội. Ngoài ra sự tỉ mỉ, biết lắng nghe và sâu sắc của người hướng nội rất quan trọng và có ý nghĩa trong những ngành nghề về tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe,… nữa đấy.

Gợi ý cải thiện/phát triển nhóm tính cách

– Hãy thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn: Nhìn nhận mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi nhóm bạn mới đều là một sự thử thách và nhiệm vụ của bạn là vượt qua nó. Bạn sẽ không biết cuộc gặp gỡ này mang lại cho bạn những điều tuyệt vời gì. Vì vậy hãy cứ thoải mái tâm trí, nở nụ cười trên môi và đón chào những mối quan hệ mới nào.

– Hãy thư giãn và thoải mái: Một nguồn năng lượng vui vẻ từ bên ngoài như một bộ phim hay một câu chuyện cười đều có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Một tâm trạng vui vẻ và thoải mái sẽ giúp bạn tự tin hơn, dễ dàng bắt chuyện hay gặp gỡ những người bạn mới đấy.

– Đặt mục tiêu từng bước nhỏ: Bạn không cần ngay lập tức đi gặp gỡ nhóm người hay tham gia buổi tiệc, hãy đặt những mục tiêu nhỏ hơn như kết bạn qua mạng xem sao. Nỗ lực này cần bạn thực hiện mỗi ngày, vì vậy đừng vội vàng và lo lắng quá bạn nhé.

– Sẵn sàng đón chờ những cảm xúc lo âu, bồn chồn: Đây là những cảm giác bạn khó tránh khi mới phá bỏ rào cản của bản thân. Thế nhưng chỉ cần vượt qua được bước đầu tiên, tất cả sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đó. Hãy mặc kệ nó và tiếp tục bước đi, vì bạn còn có thể làm được nhiều hơn bạn nghĩ đó.

Hướng nội hay hướng ngoại đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Bởi vậy khi bạn hiểu được bản thân mình, bạn sẽ biết cách để có thể hướng nội, hướng ngoại phù hợp. Cố gắng lên bạn nhé, mỗi một bước hiểu mình là cách bạn đã tiến xa hơn rất nhiều rồi.

Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldberg
Website: Bigfive.vn

4.3/5 - (216 bình chọn)
Nhóm tính cách 1: Tự chủ

Nhóm tính cách 1: Tự chủ

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tính cách

Nhóm tính cách thứ nhất: Tự chủ (Conscientiousness)

1. Nét tính cách nổi bật

Hiệu quả/thiết lập với dễ dãi/bất cẩn

2. Khái niệm

Tự chủ là việc bạn có ý thức điều chỉnh hành vi sao cho hợp lý để đạt được mục tiêu. Nó đo lường các yếu tố như sự kiểm soát, kiềm chế và bền bỉ.

3. Đặc điểm nổi bật:

Những người có điểm cao ở yếu tố này thường là người có xu hướng làm việc một cách có hệ thống, có kế hoạch thay vì bộc phát. Bên cạnh đó họ cũng là những người đáng tin cậy, có trách nhiệm với công việc và kỷ luật với chính bản thân mình. Những người này luôn mong muốn kết quả làm việc ở mức tốt nhất do vậy họ luôn đặt cho mình những mục tiêu để đạt được thành tựu trong công việc. Tuy nhiên một số trường hợp họ lại được xem là người cứng đầu nhất. Một số đặc điểm mô tả rõ hơn về nét tính cách này bao gồm ngăn nắp, có hệ thống, cẩn thận, hoàn hảo, suy tính thiệt hơn. Ví dụ như việc sắp xếp đồ đạc, quần áo gọn gàng, sắp xếp sách vở, nội dung theo một trật tự nào đó,…Với nét tính cách này họ thường là người chăm chỉ, thậm chí là “cuồng công việc”, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, thậm chí là gây ra những tình trạng cưỡng chế.

Ngược lại những người có điểm thấp ở tính cách này thường là người dễ dãi, làm việc không theo kế hoạch hay mục tiêu nào cả. Bởi vậy năng suất thấp cũng như gặp khó khăn trong việc sắp xếp cuộc sống của mình một cách khoa học hơn. Đi kèm với đó là sự thiếu nghiêm khắc với bản thân, sự chỉn chu trong công việc bởi vậy nhận được ít sự tin tưởng.

 4. Áp dụng kết quả

Liên hệ cuộc sống

– Dựa vào kết quả bạn có thể biết mức độ tự chủ của mình. Đây là một yếu tố vô cùng cần thiết để bạn có thể làm việc có hiệu quả và khoa học hơn.

– Nếu bạn đang có điểm thấp ở yếu tố này, có thể bạn chưa đủ nghiêm khắc với bản thân hay còn quá qua loa, bất cẩn trong công việc cũng như học tập.

– Tuy nhiên đừng để sự cầu toàn của bạn gây rắc rối cho người khác hay việc quá đam mê công việc khiến bạn mệt mỏi đi nhé.

Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp

Bạn là người có sự tự chủ cao sẽ không khó để đạt được thành công vì bạn luôn biết cách đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch và đạt được nó. Bạn chính là một nhà lãnh đạo tương lai, bởi vậy hãy biết phát huy nó bạn nhé. Những công việc đòi hỏi tính quản lý cao, khả năng lãnh đạo như các ngành quản trị, quản lý,… Hay những ngành nghề đòi hỏi kiến thức không ngừng, sự tỉ mỉ, chính xác cao như y học, nghiên cứu hay khoa học đều là những ngành bạn có thể tiến rất xa trong tương lai đấy.

Gợi ý cải thiện/phát triển nhóm tính cách

Nếu bạn có khả năng tự chủ cao thì chúc mừng bạn, hãy luôn tự tin với những mục tiêu của mình và nỗ lực để đạt được nó nhé.
– Vậy nếu chỉ số này còn thấp? Bạn nên xem lại các hoạt động thường ngày của bản thân. Bắt đầu xây dựng mục tiêu và kế hoạch cho bản thân mình. Thực hiện từng bước và không nản lòng. Chỉ khi bản thân bạn nghiêm túc, bạn mới có thể đạt được điều mình mong muốn.

Tự chủ là một nét tính cách tốt, giúp cho cuộc sống của bạn rõ ràng và khoa học hơn khi luôn có kế hoạch cụ thể. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm mục tiêu hay để bản thân mình dễ dàng thỏa mãn, điều này sẽ khiến bạn dễ lạc hướng và thất bại đấy.

Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldber

4/5 - (168 bình chọn)

Nhóm tố chất 9: Âm nhạc

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tố chất - kỹ năng

Trí thông minh âm nhạc (Musical Intelligence)

1.Khái niệm trí thông minh Âm nhạc

Thông minh về âm nhạc  bao gồm các kỹ năng biểu diễn, sáng tác và cảm  nhận về âm nhạc. Theo Gs. Howard Gardner, trí thông minh âm nhạc song song với trí thông minh về ngôn ngữ, trí thông minh về âm nhạc còn  có  trong tiềm thức của bất cứ cá nhân nào, miễn là người đó có khả năng  nghe tốt, có thể hát theo giai điệu, biết  dành thời gian cho âm nhạc và nghe được nhiều tiết mục  âm nhạc khác nhau với sự chính xác và sáng suốt của các giác quan.

2.Biểu hiện của trí thông minh Âm nhạc

– Khi có khả năng cảm thụ âm nhạc, bạn sẽ dễ dàng trong việc phân biệt sắc thái và thứ tự của các tông, cụ thể là độ cao, cường độ của âm thanh hay nốt nhạc đó. Bạn rất nhạy cảm với âm thanh có tông cao và đồng thời không có khả năng đồng điệu với âm nhạc một cách nhanh chóng. 

– Bạn có khả năng cảm thụ được nhiều dòng nhạc khác nhau, hay đồng cảm và ghi nhớ giai điệu của chúng, do đó bạn thường có nhiều các bài hát đa dạng để cùng đồng điệu khi bạn có những cảm xúc khác nhau.

– Bạn là người có xu hướng nghe hay để ý tới âm thanh. Bạn tin vào âm thanh mà mình cảm nhận được. Khi ở một môi trường hay vùng đất mới, bạn sẽ để ý và ghi nhớ những âm thanh đặc trưng của nơi đó, như là tiếng đường phố, xe cộ, tiếng chim hót hay tiếng lá cây xào xạc,…

3.Hướng nghiệp cho nhóm Âm nhạc:

– Kỹ năng nghề nghiệp: ca hát, chơi nhạc cụ, thu băng, chỉ huy dàn nhạc, ứng biến, sáng tác, cải tiến, sắp xếp, nghe, phân biệt âm, lên dây đàn, hòa âm, phân tích và phê bình âm nhạc.

– Nghề phù hợp với những người này gồm: DJ (người hòa âm, phối khí), nhạc công, làm dụng cụ âm nhạc, chỉnh âm đàn, chuyên gia trị liệu bằng âm nhạc, kinh doanh nhạc cụ, nhạc sĩ, kỹ thuật viên phòng thu, lĩnh xướng, chỉ huy dàn nhạc, ca sĩ, giáo viên dạy nhạc…

4.Làm thế nào để phát triển triển khả năng Âm nhạc?

–  Hãy bắt đầu ngày mới bằng một bài hát

– Nghe nhạc không lời trong các bữa ăn

– Nhảy trên nền nhạc sôi động, tiết tấu nhanh

– Nghe độc tấu các loại nhạc cụ và tập phân biệt được các loại nhạc cụ và âm thanh của chúng.

– Tập chơi một loại nhạc cụ nào đó

– Tham gia hát hò, văn nghệ của lớp, trường hay nơi làm việc

 

 

4.3/5 - (188 bình chọn)

Nhóm tố chất 8: Giao tiếp

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tố chất - kỹ năng

Trí thông minh giao tiếp (Interpersonal Intelligence)

1. Khái niệm trí thông minh Giao tiếp

Trí thông minh giao tiếp xã hội là năng lực hiểu, cảm thông và làm việc được với người khác. Một cá nhân có trí thông minh giao tiếp có thể rất giàu lòng trắc ẩn và có tinh thần trách nhiệm cao với xã hội, hoặc là người có sức lôi cuốn với tập thể, có khả năng thấu hiểu người khác và từ đó nhìn ra viễn cảnh của thế giới bên ngoài bằng chính cặp mắt của những người bên trong.

2. Biểu hiện của trí thông minh Giao tiếp

– Bạn không gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp. Một cách rất tự nhiên, việc nhận ra nhu cầu, cảm xúc, hay ý định của người khác là một khả năng tuyệt vời của bạn, và bạn cũng rất linh hoạt trong việc lựa chọn những chiến thuật để phản ứng lại. Sự tương tác mượt mà đó có thể khiến người khác làm theo ý muốn của bạn (mà ngay cả bạn cũng không nhận ra), tuy vậy, cùng lúc đó bạn lại vẫn luôn giữ mình được trước những lý lẽ của người khác.

– Bạn là người ăn nói có chừng mực, bạn biết lúc nào thì nên lên tiếng, và lúc nào thì nên im lặng để lắng nghe. Cách sử dụng ngôn từ của bạn cũng khá tốt, bạn biết chọn từ nào để dùng trong bối cảnh nào để tạo không khí hài hòa hay căng thẳng, tùy theo mục đích của bạn. Bạn có thể không nói nhiều, nhưng khi đã tham gia ý kiến thì mỗi từ bạn nói ra đều được cân nhắc kỹ lưỡng, và theo đó, tiếng nói của bạn thường có trọng lượng trong tập thể, mọi người có thể nể phục bạn vì khả năng giao tiếp khéo léo rất đúng mực của bạn.

– Bên cạnh đó bạn là người dễ dàng kết bạn ở trường. Bạn bè thường nhờ bạn giải quyết những cuộc tranh cãi. Thường là người chỉ huy trong những câu lạc bộ hoặc các nhóm khác

– Bạn luôn biết những sự kiện xã hội đang diễn ra xung quanh( như mối hận thù, những câu chuyện thêu dệt hoặc những tin đồn khác)

– Bạn thường cảm thấy thương xót và quan tâm đến một ai đó hoặc một nhóm người nào đó và muốn giúp đỡ họ bằng hành động cụ thể.

3. Hướng nghiệp cho nhóm Giao tiếp

– Kỹ năng nghề nghiệp: phục vụ, đón tiếp, giao tiếp, buôn bán, dạy học, huấn luyện viên, tư vấn, cố vấn, đánh giá người khác, thuyết phục, thúc đẩy, bán hàng, tuyển dụng, truyền cảm hứng, quảng cáo, động viên, giám sát, hợp tác, ủy quyền, đàm phán, dàn xếp, cộng tác, phỏng vấn.

– Nhóm nghề thích hợp: quản lý, giám đốc, hiệu trưởng, quản lý nhân sự, thẩm phán, nhà xã hội học, nhà nhân chủng học, luật sư, nhà tâm lý học, y tá, nhân viên quan hệ công chúng, nhân viên bán hàng, đại lý du lịch, giám đốc xã hội.

4. Làm thế nào để phát triển triển khả năng Giao tiếp?

– Mua một quyển sổ nhỏ, điền vào đó tên các mối giao tiếp trong công việc, bạn bè, người quen, họ hàng và hãy luôn giữ liên lạc với họ. Mỗi ngày( hoặc mỗi tuần) quyết định gặp một người bạn mới.

– Tham gia vào một nhóm tình nguyện hay nhóm cứu trợ( như câu lạc bộ rotary, Hòa bình xanh, Chữ thập đỏ).

– Giữ vai trò lãnh đạo trong một nhóm hoặc trong cộng đồng mà bạn quan tâm.

– Học nghệ thuật giao tiếp xã hội qua các sách dạy giao tiếp và thảo luận về các tài liệu đó với một người giao tiếp giỏi. Khởi xướng cuộc nói chuyện với mọi người ở nơi công cộng( hiệu sách, siêu thị, khu vực đón khách hàng không,…) Bắt đầu trao đổi thư từ với bạn bè trong nước hoặc quốc tế.

– Tham gia những cuộc họp mặt ở gia đình, ở trường học, công sở. Tham gia những trò chơi hợp tác ngoài trời cùng với gia đình và bạn bè

– Làm quen với những người thuộc nền văn hoá chúng ta( người Mỹ bản địa, người Nhật, người Mỹ La Tinh,…) và tích hợp những đặc điểm tốt nhất trong phong cách sống hòa đồng của họ vào cuộc sống của bạn.

– Tăng cường mối quan hệ với những người xung quanh, bắt đầu ngay với gia đình và bạn bè, mở rộng việc làm này trong cộng đồng, đất nước của bạn và cuối cùng là trên toàn thế giới.

– Học theo phong cách sống của những người có khả năng giao tiếp xã hội nổi tiếng( ví dụ như những người làm công tác từ thiện, những nhà cố vấn, các nhà chính trị, nhân viên xã hội) thông qua tiểu sử phim ảnh và phương tiện khác.

5/5 - (189 bình chọn)

Nhóm tố chất 7: Triết học

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tố chất - kỹ năng

Trí thông minh Triết học (Existential – EX)

1.Khái niệm trí thông minh Triết học

Tư duy Triết học có thể được hiểu là sự quan tâm tới thế giới quan, vị trí của mỗi cá nhân hay con người nói chung trong cả thế giới.

2.Biểu hiện của trí thông minh Triết học

– Khi sở hữu Tư duy Triết học, bạn thường có tư duy chiều sâu về các sự vật hiện tượng và cách mà các sự vật hiện tượng đó liên kết với nhau. 

– Bạn thích bàn luận sâu về các vấn đề trong cuộc sống, vũ trụ và không gian. Bản thân bạn cũng luôn có ham muốn xác định được vị trí của mình trong hệ quy chiếu đó. Bạn luôn tìm kiếm cái nhìn tổng quát về mọi việc, đưa ra và xem xét một cách toàn diện nhất đối với những tiêu chuẩn hay các sự việc trong xã hội.

– Bạn có thể được nhận xét là người già trước tuổi khi thể hiện sự quan tâm đến ý nghĩa của cuộc sống, vai trò của cái chết và sự tồn tại trong thế giới vật chất và tâm linh. 

– Bạn cũng dễ bị thu hút bởi các cuốn sách mang tính triết lý và trừu tượng, hoặc có liên quan đến các chủ đề rộng lớn như tôn giáo và lịch sử.

3.Hướng nghiệp cho nhóm Triết học

– Kỹ năng nghề nghiệp: xử lý, giải quyết những câu hỏi lớn về sự tồn tại và siêu hình của con người. Mọi người có thể cho rằng bạn có giác quan thứ sáu, một người mạnh mẽ, một “ông/bà cụ non” trong suy nghĩ. Bạn toát ra một cảm giác bình yên và sự sáng suốt, khôn khéo từ bên trong.

– Nghề nghiệp phù hợp: yogi (người tập luyện yoga), nhà triết học,…

4.Làm thế nào để phát triển triển khả năng Triết học?

–  Thực hành thiền định

– Viết ra một số câu hỏi lớn và thử câu trả lời.

– Đọc tài liệu, xem chương trình có liên quan đến triết học, các tôn giáo, văn hóa, lịch sử,..

4.8/5 - (159 bình chọn)

Nhóm tố chất 6: Tự nhiên

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tố chất - kỹ năng

Trí Thông Minh Tự Nhiên (Naturalist intelligence)

1.Khái niệm trí thông minh Tự nhiên

Thông minh tự nhiên giúp cho con người nhận thức, phân loại và rút ra được những đặc điểm của môi trường. Những người có trí thông minh thiên nhiên luôn hoà hợp với thiên và thích nuôi trồng, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu sinh  vật.

2.Biểu hiện của trí thông minh Tự nhiên

– Trí thông minh thiên nhiên ít được đề cập đến và gần đây mới được đưa vào nghiên cứu nghiêm túc. Thực chất thì chúng ta đều có một phần nào đó hướng về thiên nhiên. Gs. Howard Gardner đã  thêm vào danh sách trí  thông minh thứ 8 được gọi là trí thông minh thiên nhiên. Trí thông minh thiên nhiên là khả năng nhận biết thực vật, động vật và các thành phần khác  của môi trường tự nhiên như núi đá, cây cối, hoa hay đám mây. Những người này thích  các hoạt động liên quan đến  tự nhiên  như câu cá, đi bộ đường dài, cắm trại.

– Bạn thử nhìn nhận xem trong nhà của bạn luôn có tranh ảnh, cây cảnh, vật nuôi phải không. Tuy nhiên, tình yêu với thiên nhiên có người ít người nhiều. Nếu bạn thích các công việc về cây cảnh, thú nuôi thì nhiều khả năng bạn thuộc nhóm người này.

3.Hướng nghiệp cho nhóm Tự nhiên

– Kỹ năng nghề nghiệp: trồng cây, chăm sóc động vật, yêu thích các lớp học ngoài trời, thích ngắm nhìn những chim hoặc sưu tập các hòn đá.

– Nghề nghiệp phù hợp với người có trí thông minh về tự nhiên: Nhân viên sở thú, bác sĩ thú y, nhà bảo tồn.

4.Làm thế nào để phát triển triển khả năng Tự nhiên?

– Đọc tạp chí hoặc xem các chương trình về thiên nhiên

– Vun trồng một khu vườn nhỏ, tham gia các hoạt động ngoài trời hàng ngày.

– Chăm sóc thú cưng.

4.6/5 - (219 bình chọn)

Nhóm tố chất 5: Nội tâm

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tố chất - kỹ năng

Trí thông minh nội tâm (Interpersonal Intelligence)

1.Khái niệm trí thông minh Nội tâm

Trí thông minh nội tâm: Một người có Trí thông minh nội tâm cao có thể dễ dàng tiếp cận và nhìn  rõ được những cảm xúc bên trong mình, phân biệt được nhiều loại trạng thái và sử dụng được hiểu biết đó để làm phong phú thêm, hay vạch ra con đường cho cuộc đời mình.

2.Biểu hiện của trí thông minh Nội tâm:

– Bạn thuộc về nhóm những người có khả năng hiểu nhiều khía cạnh của bản thân. Bạn có thể nắm bắt được nhu cầu của bản thân, thực sự biết mình muốn gì cũng như không muốn gì, điều gì là phù hợp với mình hoặc không, cũng như nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu, tính cách của chính mình và sử dụng các yếu tố đó để đưa ra các quyết định phù hợp và có lợi cho bản thân.

– Trong một nhóm, bạn có thể là người lặng lẽ hoặc sôi nổi, nhưng có lẽ không khó để nhận ra khả năng tự chủ về mặt cảm xúc và sự kiên định của bạn. Bạn là người không dễ thể hiện sự tức giận hay niềm vui ra một cách bộc phát, trừ khi bạn tự cho phép bản thân mình làm vậy. Với khả năng đó, bạn sẽ là người điềm tĩnh khi người khác đang hoảng loạn, là người biết cách tự tạo động lực để bước tiếp khi người khác chùn bước, bởi bạn biết mục tiêu của mình là gì, và một khi đã chắc chắn là nó phù hợp với mình, bạn không phải là người dễ dàng từ bỏ.

– Với bạn bè hay người thân, bạn là một người giỏi lắng nghe, và từ những câu chuyện của người khác, bạn cũng có thể tự rút ra những đúc kết riêng cho mình.

3.Hướng nghiệp cho nhóm Nội tâm

– Kỹ năng nghề nghiệp: thực thi các quyết định, làm việc độc lập, thúc đẩy bản thân, đặt và đạt mục tiêu, đề xướng, đánh giá, định giá, lên kế hoạch, tổ chức, cân nhắc các cơ hội, nhìn nhận bên trong, hiểu thấu bản thân.

– Nhóm nghề thích hợp với người thông minh nội tâm là: nhà tâm lý học, tu sĩ, giáo viên tâm lý, nhà trị liệu, tư vấn viên, nhà thần học, tổ chức chương trình, doanh nhân.

4.Làm thế nào để phát triển triển Nội tâm?

– Tạo thói quen viết nhật ký: Trong xã hội hiện đại, việc viết nhật ký dường như đã bị lãng quên. Tuy nhiên viết nhật ký chính là khi bạn được trải lòng, được sống đúng với bản thân mình nhất. Thói quen này sẽ giúp bạn nhận định được mình muốn gì, đồng thời nhận định được tính cách cũng như hiểu về tâm lý mỗi người.

– Làm Việc theo thời gian biểu nhất định: Sống nề nếp sẽ giúp cho bạn nhận định được giải pháp đúng đắn cho bản thân, từ đó mà thấy được các giải pháp đúng đắn cho người khác. Đưa ra giải pháp chính là điều mà bất cứ nhà tâm lý học nào cũng phải thực hiện.

– Tham gia một khóa học rèn luyện sự tự tin: Khả năng thuyết trình sẽ rất hữu ích cho bạn. Tuy nhiên nếu thiếu tự tin thì dù có nghĩ được, nhưng lại không thể nói ra thì không thể tác động tới mọi người. Do đó bạn hãy cân nhắc tham gia các khóa học rèn luyện sự tự tin của mình. 

– Đặt ra mục tiêu và cố gắng hoàn thiện nó một cách tốt nhất: Người có sự thông minh nội tâm thường có sự suy diễn diễn biến tâm lý của người khác rất giỏi. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc suy diễn mà không hướng được người khác theo tâm ý của mình( không thuyết phục được), thì đó không thể gọi là thành công. Do đó đưa ra mục tiêu và cố gắng đạt được nó chính là tạo cách thức hoạt động có mục đích, làm việc có đầu có cuối.

– Đọc thêm sách tâm lý học: Sách tâm lý học có rất nhiều thể loại, mỗi thể loại phù hợp với một lứa tuổi nhất định. Bạn tìm được những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, khả năng của mình để có thể tiếp thu tối đa nội dung được truyền tải trong sách nhé.

4/5 - (116 bình chọn)

Nhóm tố chất 4: Thể chất

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tố chất - kỹ năng

Trí thông minh thể chất (Bodily-kinesthetic Intelligence)

1.Khái niệm trí thông minh Thể chất

Thông minh Thể Chất ( hay còn gọi là trí thông minh vận động ) là khả năng sử dụng cơ thể hoặc một phần có thể để giải quyết vấn đề,  bao gồm cả khả năng điều hướng trí não để điều khiển các hoạt động đó.

2.Biểu hiện của trí thông minh Thể chất

– Bạn là người có khả năng sử dụng cơ thể một cách nhuần nhuyễn để đạt được mục đích của bản thân, ví dụ như việc các diễn viên múa điều chỉnh khéo léo các bộ phận cơ thể để biểu diễn các màn uốn dẻo, hay bác sĩ phẫu thuật dùng các động tác tay một cách tinh tế. Với những người có trí thông minh Vận động, việc sử dụng cơ thể có thể là dùng toàn thân hay chỉ một hoặc một vài bộ phận trên cơ thể để đạt được mục đích hay tạo ra sản phẩm mong muốn.

– Có 2 loại vận động cơ thể:

+ Trí thông minh Vận động Tinh: khi bạn sở hữu loại vận động này, bạn có khả năng dùng một hoặc một vài bộ phận nhất định trên cơ thể để thực hiện các động tác tinh xảo, phức tạp và đòi hỏi sự chính xác, tinh tế cao. Bạn cũng thường thích và để ý đến những họa tiết gốm sứ, những bức tranh tinh xảo, hay làm đồ handmade.

+ Trí thông minh Vận động Thô: với loại vận động này, bạn có khả năng kết hợp nhiều bộ phận trên cơ thể cho mục đích của bản thân, phối hợp toàn cơ thể với nhau. Bạn có thể dễ dàng thực hành hay sáng tạo ra những tư thế, hay những dáng điệu, động tác một cách dễ dàng.

3.Hướng nghiệp cho nhóm Thể chất

– Kỹ năng nghề nghiệp: phân loại, giữ thăng bằng, nâng, vác, chơi thể thao, đi bộ, chạy, làm đồ chơi thủ công, lau chùi, vận chuyển, phân phát, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, lắp đặt, diễn viên kịch câm, nhà soạn kịch, trình diễn thời trang, nhảy múa, tổ chức các hoạt động ngoài trời, du lịch.

– Nhóm nghề thích hợp: nhà vật lý trị liệu, lĩnh vực giải trí, vũ công, diễn viên, người mẫu, nông dân, thợ máy, thợ mộc, thợ thủ công, giáo viên thể dục, công nhân nhà máy, biên đạo múa, vận động viên chuyên nghiệp, kiểm lâm, thợ kim hoàn.

4.Làm thế nào để phát triển triển khả năng Thể chất?

– Luyện khả năng phối hợp tay – mắt thông qua các môn thể thao, một số trò chơi như tung hứng, đánh bóng rổ, bóng chuyền…

– Chơi trò chơi đố chữ với người thân và bạn bè bằng việc sử dụng cơ thể.

– Tìm kiếm ý tưởng trong khi di chuyển và luyện tập. Luôn giữ một cuốn sổ tay nhỏ hoặc máy ghi âm bên mình khi bạn chạy bộ hoặc đi bộ đường dài. Hãy viết hoặc phác thảo bất cứ ý tưởng thú vị nào mà bạn có.

– Rèn luyện cơ thể. Hãy rèn luyện để tim và phổi khỏe mạnh, đồng thời nâng cao khả năng chịu đựng bằng các hoạt động thể dục nhịp điệu.

– Học một môn nghệ thuật điêu khắc hoặc nghề thủ công.

– Giải tỏa căng thẳng và thư giãn. Yoga và thái cực quyền là những cách thức hữu hiệu để loại bỏ căng thẳng. Chúng sẽ giúp bạn học tốt, ngủ ngon và tinh thần lạc quan hơn.

– Tham gia một lớp kịch hoặc thử một vai diễn. Nếu thích diễn kịch, hãy tìm kiếm những địa điểm thuộc khu vực sinh sống − những nơi bạn có thể tham gia.

– Tham gia các khóa học võ thuật. Võ thuật có nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ: aikido có tính chất phòng thủ thuần túy sẽ dạy cho bạn cách sử dụng chính đòn của đối thủ để chống lại họ; karate, jujitsu hoặc taekwondo đề cao cách tiếp cận mang tính chủ động hơn.

– Tập trung học hoặc tự luyện tập một môn thể thao cá nhân. Các môn thể thao cá nhân bao gồm: bơi, chạy, bắn cung, đi xe đạp, …Thể thao giúp bạn rèn luyện cơ thể, kết bạn và giải tỏa căng thẳng.

– Tham gia đội thể thao trong khu phố hoặc ở trường học.

 

4.4/5 - (165 bình chọn)

Nhóm tố chất 3: Không gian

06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tố chất - kỹ năng

Trí thông minh không gian (Spatial Intelligence)

1.Khái niệm trí thông minh Không gian

Những người có trí thông minh không gian cao rất giỏi trong những việc đòi hỏi sự thao túng tinh thần của các quan điểm thể chất. Những người này có xu hướng rất thành thạo trong việc đọc bản đồ, ghép hình và nhìn hoặc vẽ các đối tượng và tình huống từ một quan điểm khác nhau mà không nhất thiết phải nhìn thấy nó từ quan điểm đó. Họ không dễ dàng bị lạc và thường đi lang thang trên một mê cung. Lý luận không gian, thao tác hình ảnh, kỹ năng đồ họa và nghệ thuật thường được phát triển tốt ở những người có Trí thông minh không gian cao.

2.Biểu hiện của trí thông minh Không gian

– Khả năng bao quát không gian của bạn được thể hiện rõ nét nhất trong việc hình dung không gian và quét không gian.

– Những người mạnh về không gian thường có khả năng tưởng tượng. Bạn sẽ cảm thấy mình có thể tưởng tượng ra cả một bộ phim riêng ở trong đầu mình hoặc tưởng tượng sống động đến từng chi tiết một sự vật, sự việc nào đó dù chỉ nghe mô tả qua lời kể của người khác. 

– Việc hình dung không gian tốt có thể khiến bạn đoán trước được sự chuyển động của các vật thể. Bạn có thể sẽ thấy mình phù hợp khi chơi những môn thể thao như cầu lông, tennis.

– Bên cạnh đó, với khả năng bao quát một không gian có thể khiến bạn dễ dàng phác họa hay ghi nhớ các chi tiết của không gian đó. Khi nhìn vào các tài liệu mỹ thuật hay biểu đồ, bạn sẽ dễ nhận ra các điểm sai của của bản vẽ, những điểm khác biệt riêng hoặc chỉ đơn giản là nhanh chóng nắm được ý nghĩa của đồ thị hay biểu đồ đó. Bạn cũng có thể là người nhạy cảm với màu sắc và bố cục của những bức tranh, ảnh, và rất hứng thú với những không gian rộng rãi với tầm nhìn xa.

3.Hướng nghiệp cho nhóm Không gian

– Kỹ năng nghề nghiệp của nhóm này gồm: vẽ, minh họa, thuyết trình bằng hình ảnh, thiết kế, tưởng tượng, phát minh, tô màu, vẽ bản đồ, chụp ảnh, trang trí, quay phim.

– Nhóm nghề thích hợp: Kỹ sư, nhà khảo sát, kiến trúc sư, kỹ thuật viên đồ họa, trang trí nội thất, nhiếp ảnh gia, giáo viên nghệ thuật, nhà phát minh, chuyên viên vẽ bản đồ, phi công, nghệ sĩ, mỹ thuật, điêu khắc…

4.Làm thế nào để phát triển triển khả năng Không gian?

– Sử dụng các cuốn từ điển có hình ảnh để dễ tư duy và ghi nhớ hay chơi những trò chơi có sử dụng tư duy không gian đa chiều.

– Hãy chơi những trò chơi như  xếp hình, rubik, trò chơi mê cung hoặc các trò chơi không gian khác.

– Mua các phần mềm đồ họa và từ đó tập vẽ, tập thiết kế, sao chép các hình ảnh mà não bộ bạn sáng tạo ra.

– Bạn cũng có thể học cách chụp ảnh để có thể lưu giữ lại những hình ảnh đẹp đẽ về khung cảnh tự nhiên, về các con vật, về các loài hoa, …

– Ngoài việc sử dụng máy ảnh để giữ lại hình ảnh thì máy quay phim có thể giúp bạn lưu giữ lại các khoảnh khắc tuyệt vời. Hoặc bạn có thể tự sáng tạo những bộ phim xoay quanh cuộc sống và dựng lên những thước phim đẹp.

– Xem phim và các chương trình truyền hình không chỉ để giải trí mà còn tìm hiểu về cách sử dụng ánh sáng, âm nhạc, cách di chuyển máy quay, bài trí bố cục phim, sân khấu, ….

– Bạn có thể tự thiết kế nội thất cho không gian nhà mình, bạn có thể sáng tạo theo ý thích của mình.

– Bạn cũng có thể sưu tập lại các hình ảnh trên báo và tạp chí nếu khó có thể đi trải nghiệm do cuộc sống bận rộn.

– Học cách rèn luyện khả năng định hướng trong các cuộc dã ngoại, để chắc chắn có thể tìm ra phương hướng khi bị lạc.

– Nghiên cứu các môn hình học.

– Tham gia các lớp học vẽ, điêu khắc, … tại các trường đại học, các trung tâm hướng nghiệp, …

– Học một ngôn ngữ mang tính hình tượng như tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật, …

– Học cách sử dụng và biểu đạt số liệu mình có bằng hệ thống các biểu đồ, sơ đồ, cấu trúc hình cây, các sơ đồ và cấu trúc biểu đạt hình ảnh khác

– Lưu giữ mọi thứ thông qua hình ảnh để để vừa dễ nhớ vừa phát huy khả năng về trí thông minh không gian.

– Bạn có thể thử khám phá mọi thứ xung quanh và đồ vật bằng các giác quan khác thay bằng thị giác thông qua trò chơi bịt mắt.

4.6/5 - (201 bình chọn)