

La Bàn Hướng Nghiệp
Học Sinh
Nhóm 4: Làm việc với con người
27/11/2020 in Năng lực nghề nghiệp
Nhóm 4: Năng lực làm việc với con người
1. Khái niệm về Năng lực làm việc với con người
Các hoạt động phản ánh năng lực này phản ánh sở thích và sự thấu hiểu người khác. Những hoạt động liên quan đến làm việc với con người, giúp đỡ họ giải quyết khó khăn và động viên họ sống tốt. Người có năng lực cao làm việc với con người nhạy cảm với tâm trạng và cảm xúc của người khác.
2. Một số biểu hiện của Năng lực làm việc với con người:
– Bạn thường là người xung phong lãnh đạo trong các hội nhóm. Bạn đề xuất cách thức hoạt động, phân công việc và kết hợp mọi người để đạt được kết quả tốt nhất.
– Bạn thường là người lập ra kế hoạch cho các hoạt động và sự kiện.
– Bạn là người được người khác tin tưởng để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn.
– Bạn biết cách lắng nghe và an ủi người khác.
– Bạn nhạy cảm và nhanh chóng phát hiện ra vấn đề của một cá nhân nào đó.
– Bạn thích xã giao và gặp gỡ mọi người.
3. Điểm mạnh của Năng lực làm việc với con người:
– Tham gia giúp đỡ các hoạt động cộng đồng.
– Khả năng lãnh đạo
– Khả năng thuyết phục mọi người.
– Khả năng thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với người khác
4. Hướng nghiệp cho nhóm Năng lực làm việc với con người:
– Kỹ năng nổi bật: Làm việc với người khác, lãnh đạo và quản lý. Hiểu cảm xúc, thái độ và suy nghĩ của người khác,giúp đỡ mọi người
– Nghề nghiệp đề xuất: giáo viên mầm non, bác sĩ tâm lý, nhà quản trị nhân lực, quản lý, nhân viên công tác xã hội,…

Nhóm 3: Hình học – màu sắc – thiết kế
27/11/2020 in Năng lực nghề nghiệp
Nhóm 3: Năng lực Hình học – màu sắc – thiết kế
1. Khái niệm về Năng lực hình học – màu sắc – thiết kế
Năng lực này phản ánh thiên hướng hình dung và thể hiện các quan sát thành vật thể thực tế. Người có năng lực này tưởng tượng tốt và thể hiện ý tưởng thành bản vẽ, thiết kế, vật phẩm và đồ thủ công.
2. Một số biểu hiện của Năng lực hình học – màu sắc – thiết kế:
– Bạn có khả năng sáng tạo, làm ra đồ vật theo ý tưởng của mình
– Tạo ra bản sao của các đồ vật thông qua quan sát và tưởng tượng
– Có khả năng vẽ. Có thể là sơn dầu, bút chì hoặc bất kể chất liệu gì.
– Bạn thích làm việc với màu sắc, hoa văn, sắp xếp sao đẹp mắt nhất.
– Bạn có mắt thẩm mỹ, thích cải thiện vẻ ngoài của con người hay đồ vật. Có thể là phối quần áo, mỹ phẩm, trang sức,…
3. Điểm mạnh của Năng lực hình học – màu sắc – thiết kế:
– Sử dụng hình ảnh để thể hiện ý tưởng và có thể chuyển hình ảnh ấy thành sản phẩm cụ thể.
– Có khả năng làm việc với màu sắc, hoa văn và thiết kế. Sắp xếp các đồ vật sao cho hợp lý và đẹp mắt.
– Bạn có khả năng về hình học. Bạn áp dụng các công thức để đo lường, so sánh, sắp xếp,…
– Bạn được đánh giá là người có mắt thẩm mỹ tốt khi luôn biết cách sử dụng họa tiết, màu sắc cho đẹp mắt nhất.
4. Hướng nghiệp cho nhóm Năng lực hình học – màu sắc – thiết kế
– Kỹ năng nổi bật: Vẽ, thiết kế, làm việc với màu sắc và hình dạng. Biến ý tưởng thành hình dạng cụ thể
– Nghề nghiệp đề xuất: Kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế quảng cáo, quay phim, thợ thủ công, họa sĩ,…

Nhóm 2: Năng lực phân tích – logic
27/11/2020 in Năng lực nghề nghiệp
Năng lực phân tích – logic
1. Năng lực phân tích – logic là gì?
Năng lực này gắn liền với thiên hướng sử dụng kĩ năng lý luận và phân tích logic. Người có năng lực cao về phân tích logic sẽ rất thích tính toán, phân tích và lập kế hoạch. Người đó hiểu vấn đề nhân quả và sử dụng logic để giải quyết nhiều vấn đề khác nhau.
2. Biểu hiện của Năng lực phân tích – logic
- Bạn hứng thú với việc kinh doanh. Bạn thường đặt ra những vấn đề và tìm cách để thử giải quyết nó.
- Hứng thú với phân tích dữ liệu: Nghiên cứu thông tin ở các dạng khác nhau và hiểu sâu ý nghĩa của nó. Áp dụng toán học và thống kê để tìm ra xu hướng
- Thích làm việc với các sự kiện và con số
- Thu thập và tổ chức thông tin: thu thập và sắp xếp thông tin, dữ liệu để người khác có thể dễ dàng hiểu và sử dụng được
- Áp dụng lý luận và logic để giải quyết vấn đề, sử dụng những nguyên tắc trong toán học, vật lý, thống kê để giải quyết.
- Bạn suy nghĩ rất nhanh. Bạn hiểu những gì đang diễn ra và nhanh chóng quyết định bước tiếp theo phải làm gì.
- Bạn có khả năng tính toán rất nhanh và chính xác.
3. Điểm mạnh của Năng lực phân tích – logic:
- Bạn dễ dàng sử dụng các kỹ năng toán học và khoa học trong phân tích, giải quyết vấn đề nào đó như giải ô chữ, làm mô hình,…
- Bạn có khả năng quản lý nguồn lực như tiền, nguyên vật liệu, lao động, dịch vụ để đạt được kết quả tối đa.
- Lập kế hoạch và sắp xếp hợp lý. Bạn chuẩn bị lịch trình, thời gian biểu sao cho nhiệm vụ hoàn thành một cách kịp thời nhất
- Bạn có khả năng trong kinh doanh/quản lý tài chính. Việc quản lý và sử dụng tiền bạc sao cho hiệu quả rất phù hợp với bạn.
- Bạn có khả năng trong việc thu thập và phân tích thông tin. Thu thập thông tin phục vụ công việc và phân tích nó để hiểu sâu hơn vấn đề.
4. Hướng nghiệp cho nhóm Năng lực phân tích – Logic
- Kỹ năng nổi bật: Tư duy logic, lý luận, áp dụng toán học, lập kế hoạch, tư duy phản biện. Giải quyết vấn đề tốt, giải toán tốt.
- Nghề nghiệp phù hợp nhóm năng lực phân tích – Logic: Nhà kinh tế học, kế toán, chuyên viên ngân hàng, chuyên viên đầu tư và phát triển, kỹ sư công nghệ thông tin,…

Nhóm 1: Năng lực ngôn ngữ
27/11/2020 in Năng lực nghề nghiệp
Năng lực ngôn ngữ
1. Năng lực ngôn ngữ là gì:
Năng lực này phản ánh sự thông thạo ngôn ngữ và sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt. Người có năng lực ngôn ngữ sẽ thể hiện sự nhạy cảm với nghĩa của từ và có khả năng sử dụng ngôn từ trong giao tiếp sao cho hiệu quả và hấp dẫn.
2. Biểu hiện của Năng lực ngôn ngữ
– Có sở thích viết văn và viết báo
– Thích học và sử dụng các ngôn ngữ mới
– Thích làm việc với giấy tờ như đọc sách, kiểm tra nội dung, soạn thảo,…
– Có khả năng dạy và hướng dẫn người khác bởi câu từ mạch lạc, rõ ràng. Thuyết phục người khác bằng lập luận của mình
– Có sở thích tranh luận và thảo luận, sử dụng ngôn ngữ để bảo vệ cho ý kiến của mình
– Có khả năng nói chuyện trước đám đông: dùng lời nói để trình bày ý tưởng trước mọi người.
– Sử dụng ngôn ngữ làm công cụ giao tiếp: Nói chuyện rõ ràng, mạch lạc, thu hút người nghe
– Đọc và hiểu văn bản viết: có thể nhanh chóng hiểu được ý nghĩa của văn bản hoặc chỉ ra lỗi sai trong đó.
3. Điểm mạnh của Năng lực ngôn ngữ:
– Dễ dàng diễn đạt suy nghĩ và ý tưởng thành văn viết như thơ, văn,…và mọi người rất thích đọc những gì bạn viết.
– Có khả năng nói chuyện trước đám đông. Sự tự tin, cách nói chuyện rõ ràng, mạch lạc và thu hút của bạn khiến mọi người tập trung và thích nghe bạn nói.
– Tham gia vào các cuộc thảo luận, tranh luận. Đây là những lúc không thể thiếu sự xuất hiện của người có năng lực ngôn ngữ bởi sự tự tin, mạch lạc và khả năng lập luận của bạn sẽ giúp cuộc thảo luận sôi nổi hơn.
– Sử dụng ngoại ngữ. Việc nghe, nói, đọc, viết một ngôn ngữ nào đó sẽ không là vấn đề đối với bạn.
4. Hướng nghiệp cho nhóm Năng lực ngôn ngữ
– Kỹ năng nổi bật của nhóm năng lực ngôn ngữ: Nhạy cảm với từ ngữ, có khả năng diễn đạt bằng lời, có cách nói, cách viết thu hút hấp dẫn
– Nghề nghiệp phù hợp cho nhóm năng lực ngôn ngữ: Nhà báo, nhà ngôn ngữ học, giảng viên ngoại ngữ, hướng dẫn viên du lịch, biên phiên dịch, marketing và bán hàng, luật sư, chuyên viên quan hệ công chúng,…

Nhóm tính cách 5: Bất ổn cảm xúc
06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tính cách
Nhóm tính cách thứ năm: Bất ổn cảm xúc (Neuroticism)
1. Nét tính cách nổi bật:
Nhạy cảm/ hoảng sợ với vững chắc/tự tin.
2. Khái niệm:
Sự bất ổn cảm xúc cho thấy khả năng cân bằng cảm xúc của một cá nhân qua cách họ nhìn nhận thế giới. Khía cạnh này cũng sẽ phản ánh xu hướng trải nghiệm cảm xúc tiêu cực của người đó như thế nào.
3. Đặc điểm nổi bật:
– Điểm số này cho thấy khả năng vững vàng của tâm lý cũng như khả năng tự kiềm chế của một người khi đối mặt với những tình huống xấu trong cuộc sống. Những người có tâm lý bất ổn rất hay trải qua cảm giác lo âu, hoảng sợ, giận dữ, u uất, ganh ghét hơn so với người thường. Đồng thời họ rất dễ bị stress, suy nghĩ tiêu cực và thường lựa chọn những cách giải tỏa áp lực hay giải quyết vấn đề theo hướng nguy hiểm, cực đoan. Đây là một vấn đề nghiêm trọng sẽ khiến họ đẩy mình vào những áp lực và rất khó để giải thoát suy nghĩ bản thân ra khỏi những vấn đề trong cuộc sống.
– Ngược lại những người có chỉ số này thấp thường vững vàng hơn, ít phản ứng với áp lực hay những vấn đề trong cuộc sống. Trong mọi vấn đề họ thường bình tĩnh, kiểm soát tốt hơn và nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết. Họ không cảm thấy tiêu cực hay áp lực không có nghĩa lúc nào họ cũng tích cực. Đi cùng với sự bình tĩnh và vững vàng nên là sự lạc quan, hướng ngoại sẽ là lúc bạn biết đủ và luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ trong cuộc sống.
4. Áp dụng kết quả
Liên hệ cuộc sống
– Cảm xúc bất ổn là một vấn đề lớn. Nếu bạn luôn để bản thân rơi vào những trạng thái tiêu cực bạn sẽ luôn thấy mệt mỏi trong cuộc sống. Đồng thời việc trải qua tiêu cực cũng khiến những hành động và suy nghĩ thiên về cực đoan. Nếu bạn không thể tự giải quyết được tình trạng tâm lý của mình, hãy đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và điều trị nhé.
– Cuộc sống mỗi người luôn phải đối mặt với những vấn đề, những khó khăn không lường trước được. Nếu bạn không có một tâm lý vững vàng, không thể quản lý, điều chỉnh được cảm xúc, bạn sẽ rất dễ gục ngã và đẩy mình vào những suy nghĩ mệt mỏi, tiêu cực. Không thoát khỏi nó bạn sẽ rất khó có tinh thần, động lực hay hứng thú để làm việc và tận hưởng cuộc sống.

Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp
Cảm xúc bất ổn sẽ khiến bạn rất dễ rơi vào trạng thái stress, trầm cảm dù bạn làm nghề gì đi nữa. Bởi vậy nếu chỉ số này của bạn cao, hãy điều chỉnh trạng thái của bản thân trước khi bắt đầu công việc nhé. Bên cạnh đó bạn có thể lựa chọn bắt đầu bằng những môi trường ít áp lực như làm công văn, chứng từ,… để làm quen dần sau đó hãy nâng cao giới hạn của bản thân bạn nhé.
Gợi ý cải thiện/phát triển nhóm tính cách
– Ngưng suy nghĩ tiêu cực: Mỗi một vấn đề đều có những mặt khác nhau, quan trọng là thái độ và cách nhìn của bạn. Bởi vậy khi xảy ra việc gì, hãy tìm kiếm trong đó những điều tốt đẹp. Ví dụ như việc bạn hỏng xe sẽ là cơ hội để bạn trải nghiệm phương tiện giao thông khác, hay như việc bạn nhận đề bài khó hơn, hãy nghĩ đó là cơ hội để bạn rèn luyện bản thân hơn nữa,…
– Viết ra những điều tốt đẹp: Hãy dành một cuốn sổ chỉ ghi lại những điều tốt đẹp và những câu động lực mỗi ngày. Khi bạn đang buồn phiền, giở sổ ra bạn sẽ thấy tràn ngập những niềm vui xung quanh mình thay vì nghĩ lại những điều tồi tệ.
– Bình tĩnh lại: Khi gặp vấn đề nào đó, hãy hít thở thật sâu để bình tĩnh lại. Việc hành động trong những lúc cảm xúc bất ổn như giận dữ, buồn phiền,… sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Đừng tập trung tranh luận, hãy bình tĩnh để tìm hướng giải quyết mà thôi.
– Học cách chia sẻ, giải tỏa áp lực: Sẽ thật khó khăn để vượt qua khi bạn luôn phải một mình chịu đựng. Hãy chia sẻ những vấn đề với người mà bạn tin tưởng, cũng có thể tìm đến bác sĩ tâm lý. Những lời an ủi, chia sẻ và hướng giải quyết của mọi người sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua.
Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldberg
Website: Bigfive.vn

Nhóm tính cách 4: Sẵn sàng trải nghiệm
06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tính cách
Nhóm tính cách thứ tư: Sẵn sàng trải nghiệm/ Cởi mở (Openness)
1.Nét tính cách nổi bật:
Sáng tạo/ hiếu kỳ với kiên định/chắc chắn
2.Khái niệm:
Sẵn sàng trải nghiệm là mong muốn được thử cái mới, tham gia vào quá trình tưởng tượng hay các hoạt động vận dụng trí tuệ ở mức độ cao. Tư duy ngoài khuôn khổ là đặc điểm tóm gọn cho khía cạnh này.
3. Đặc điểm nổi bật:
– Điểm số ở mục này phản ánh sự hiếu kỳ một cách thông minh, sẵn sàng trải nghiệm những thứ mới mẻ trong cuộc sống. Họ yêu thích nghệ thuật, có nhiều ý tưởng sáng tạo, rất nhanh lĩnh hội được mọi thứ cũng như dễ dàng thích ứng với thay đổi của môi trường sống. Không những vậy một số nghiên cứu tìm ra mối tương quan tích cực giữa mặt tính cách này và các bài kiểm tra IQ. Họ có trí thông minh kết tinh, tức là khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cao. Nhưng thay vào đó họ lại là người khó đoán và không tập trung. Việc luôn cảm thấy hứng thú với những thứ mới mẻ mà quên đi những nhiệm vụ cần làm, những mục tiêu mà mình theo đuổi khiến mọi việc không đi được đến đích, tự họ làm rối phương hướng của mình.
– Ngược lại, những người có điểm thấp ở nét tính cách này thường thực dụng, làm việc theo dữ liệu, đôi lúc thường được mô tả như quyết đoán và cứng nhắc. Họ thường rất truyền thống trong hành vi, và vẻ ngoài của mình, thích làm việc theo guồng quay nhất định, không thích trải nghiệm những thứ mới mẻ và có ít sở thích trong cuộc sống. Bởi vậy họ thường gặp khó khăn trong việc thích ứng với sự thay đổi. Cảm xúc của họ rất phẳng lặng và khả năng chịu đựng thấp đối với những thay đổi hay những điều mới mẻ.
4. Áp dụng kết quả
Liên hệ cuộc sống
– Sẵn sàng trải nghiệm mang đến cho bạn nhiều cơ hội mới cũng như khiến cho cuộc sống của bạn muôn màu, muôn vẻ. Nhưng thay vào đó bạn đừng quên những mục tiêu mà mình đặt ra và cần phải kiên trì với nó.
– Không hứng thú với những điều mới mẻ cũng như rất ngại thử thách rất nhiều lúc sẽ cản trở bước tiến của bạn. Cuộc sống luôn không ngừng thay đổi do vậy bạn cũng luôn cần làm mới mình để có thể thích ứng cũng như đón đầu những xu hướng mới, cơ hội mới.
Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp
– Bạn cũng có thể xem xét yếu tố này trong việc tìm kiếm ngành nghề phù hợp. Nếu bạn có cho mình một tâm hồn nghệ thuật, yêu thích trải nghiệm, hãy tìm kiếm những công việc về sáng tạo, nghệ thuật nhé.
– Còn ngược lại, những công việc liên quan đến với con số, giấy tờ, thực hiện theo những kế hoạch và khuôn khổ sẽ phù hợp nếu bạn ưa thích những gì ổn định và lâu dài.
Gợi ý cải thiện/phát triển nhóm tính cách
– Sẵn sàng trải nghiệm cho thấy bạn có một tâm hồn thoải mái, lạc quan. Không những vậy tính cách này còn mang lại cho cuộc sống của bạn rất nhiều điều thú vị, mới mẻ nhiều màu sắc. Bởi vậy đừng ngại trải nghiệm và kiên trì hơn nữa, bạn sẽ tiến rất xa trong tương lai đấy.
– Bên cạnh đó những bạn thích sự ổn định, lâu dài đôi lúc đừng gò bó bản thân quá. Hãy cho mình cơ hội thử thách và trải nghiệm những điều mới mẻ, cuộc sống của bạn sẽ phong phú và nhiều màu màu sắc hơn rất nhiều đó.
Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldberg
Website: Bigfive.vn

Nhóm tính cách 3: Hòa đồng
06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tính cách
Nhóm tính cách thứ ba: Hòa đồng (Agreeableness)
1. Nét tính cách nổi bật:
Thân thiện/có lòng trắc ẩn với tách biệt/cứng nhắc
2. Khái niệm:
Hòa đồng đề cập đến cách một người đối xử thế nào trong những mối quan hệ với người khác. Một số người thường đánh đồng hòa đồng với hướng ngoại thế nhưng hòa đồng chỉ tập trung vào sự tương tác và định hướng con người mà thôi.
3. Đặc điểm nổi bật:
– Những người hòa đồng sẽ nhạy cảm với nhu cầu của người khác và có thiện chí hợp tác. Họ luôn cảm thông, vị tha và đáng tin cậy, thường được lòng nhiều người nhờ sự dễ gần của mình. Tốt bụng, ấm áp, biết quan tâm, giúp đỡ là những tính từ mô tả cho nét tính cách này. Họ thường có xu hướng tin rằng đa phần mọi người rất trung thực, tốt bụng và đáng tin cậy. Họ có lòng vị tha và hay giúp đỡ người khác. Những thực nghiệm cho thấy đa số người ta giúp đỡ những người nào giống mình, hoặc chỉ giúp đỡ khi thấy thấu cảm cho người khác. Tuy nhiên việc giúp đỡ không đúng lúc, đúng cách, đúng tình huống sẽ mang lại những rắc rối cho mình và người khác. Không những vậy, đôi khi họ suy nghĩ quá ngây thơ và dễ bảo sẽ khiến họ chịu thiệt thòi nhiều trong cuộc sống
– Những người có mức hòa đồng thấp thường bị coi là đáng ngờ, thích thao túng và không hợp tác. Họ thường thể hiện sự đối lập khi tương tác với người khác, khiến họ ít được yêu mến và tin tưởng hơn. Không những vậy việc thờ ơ người khác khiến họ trở thành người ích kỷ, dễ gây tổn thương cho mọi người.
4. Áp dụng kết quả
Liên hệ cuộc sống:
– Có thể nói hòa đồng có nhiều ưu điểm hơn khuyết điểm. Hòa đồng thường đi kèm với một tính cách tốt cùng với việc nhận được sự yêu mến từ mọi người. Tuy nhiên hãy tỉnh táo, hãy suy nghĩ kỹ trước khi làm cũng như trong mọi tình huống trong cuộc sống để tránh bị lừa, bị lợi dụng. Không những vậy bạn cũng cần học cách từ chối để tránh những rắc rối không đáng có cho bản thân mình.
– Nếu điểm hòa đồng của bạn thấp, hãy xem lại và cải thiện nó. Việc thiếu hòa đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các mối quan hệ xung quanh bạn, khiến bạn gặp khó khăn trong những công việc cần đến sự hợp tác từ nhiều người. Không những vậy rất nhiều rắc rối hay vấn đề lớn sẽ xảy ra nếu bạn ích kỷ, làm tổn thương người khác bởi sự thờ ơ, lạnh lùng của mình.
Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp
– Hòa đồng là một nét tính cách cần thiết trong cuộc sống. Bởi vì không có việc gì bạn làm mà không liên quan đến với người khác cả. Nhưng trường hợp bạn vẫn đang phải học cách để hòa đồng hơn, cũng đừng lo lắng quá, hãy tập từng bước một nhé. Bạn có thể khởi đầu với những công việc mang tính chất cá nhân hơn như: viết lách, thiết kế,… đây là những công việc giúp bạn sáng tạo hơn, mở rộng tinh thần và đầu óc. Thêm nữa công việc phụ thuộc chủ yếu vào cá nhân bởi vậy sẽ tạo điều kiện cho bạn làm quen dần với cách làm việc với người khác.
– Tuy nhiên trong lúc làm việc hãy luôn cẩn thận lời nói và hành vi của mình. Khi bạn làm người khác tổn thương hoặc khó chịu, bạn rất dễ sẽ mất đi công việc của mình đấy
Gợi ý cải thiện/phát triển nét tính cách
– Cởi mở hơn: khi bạn thân thiện hơn với mọi người, họ cũng sẽ mở lòng hơn đối với bạn. Còn khi bạn luôn giữ thái độ lạnh lùng hay quá khép kín, bạn sẽ rất dễ bị hiểu nhầm và mọi người cũng sẽ khép kín với bạn đấy
– Tôn trọng người khác: Người thiếu hòa đông thường gây cho người khác tổn thương bởi thái độ và lời nói của mình. Bởi vậy để cải thiện điều này hãy biết tôn trọng người khác, đặt mình vào vị trí của họ để tránh gây tổn thương không đáng có.
– Nói xin lỗi và cảm ơn khi cần thiết: Nếu công việc xảy ra vấn đề gì mà nguyên nhân đến từ bản thân bạn, vậy đừng đổ lỗi cho người khác. Thay vào đó hãy học cách nói lời xin lỗi. Tương tự như vậy, khi nhận được sự giúp đỡ, đừng bao giờ tiếc một lời cảm ơn nhé. Như vậy bạn đã tiến thêm một bước dài để hòa đồng hơn rồi đó.
Hòa đồng là một năng lực cần có của bất kỳ ai. Có thể vì chưa biết cách nên bạn hơi kém hòa đồng, nhưng tuyệt đối đừng bỏ mặc tình trạng này của bản thân. Nỗ lực hơn mỗi ngày, mọi người sẽ rất nhanh đón chào bạn.
Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldberg
Website: Bigfive.vn

Nhóm tính cách 2: Hướng ngoại
06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tính cách
Nhóm tính cách thứ hai: Hướng ngoại (Extraversion)
1.Nét tính cách nổi bật:
Hòa đồng/thoải mái với đơn độc/kín đáo
2.Khái niệm:
Hướng ngoại phản ánh xu hướng và cường độ tìm kiếm sự tương tác với xã hội của một người. Yếu tố này còn phản ánh loại môi trường giúp cá nhân lấy lại năng lượng.
3. Đặc điểm nổi bật:
Đặc điểm cả người hướng ngoại có thể thấy thông qua bề rộng của các hoạt động và mối quan hệ của họ trong xã hội. Người hướng ngoại luôn có hứng thú với những nơi đông người, những buổi tiệc tùng hay họp mặt. Họ cảm thấy đây là nơi sẽ đem lại cho họ năng lượng, do vậy họ thích tìm kiếm và cần những nguồn kích thích từ bên ngoài. Người hướng ngoại thường hăng hái, nhiệt tình, theo trường phái hành động, làm trước nghĩ sau, thích nói chuyện và khẳng định mình, mong muốn thay đổi cả thế giới hơn là hiểu về nó. Những người này thường hoạt bát, dễ hiểu, dễ tiếp cận, luôn xuất hiện với sự thoải mái và tự tin nhất. Tràn trề sức sống chính là những gì ta có thể cảm nhận được từ một người hướng ngoại.
Đối lập với hướng ngoại là người hướng nội. Đây là những người không thích những nơi đông người, sẽ cảm thấy kiệt sức khi phải giao tiếp quá nhiều, họ gặp khó khăn khi bắt đầu cuộc hội thoại và thường suy nghĩ cẩn thận mọi thứ trước khi nói chuyện. Nếu người hướng ngoại tìm thấy nguồn năng lượng trong những buổi tiệc tùng, những nơi đông người thì ở một mình chính là cách mà người hướng nội nạp năng lượng. Một số từ thường gắn với người hướng nội là lạnh lùng, trầm uất, cô độc. Tuy nhiên họ hướng nội không đồng nghĩa với việc họ không thân thiện hay phản xã hội mà họ cẩn thận hơn, kín đáo hơn và suy nghĩ nhiều hơn trong các tình huống cũng như mối quan hệ trong xã hội. Dè dặt, trầm tư, thích suy nghĩ và đào sâu về nó cũng như thích lắng nghe hơn so với việc thể hiện bằng lời nói.
4. Áp dụng kết quả
Liên hệ cuộc sống
– Hướng ngoại là những người tràn đầy năng lượng, bởi vậy nó thường đi kèm với những tính từ tích cực như thoải mái, tự tin, năng động, nhiệt huyết,… Tuy nhiên hãy biết hướng ngoại có điểm dừng. Ví dụ như việc mở rộng các mối quan hệ sẽ giúp bạn rất nhiều trong công việc, tuy vậy đừng quên việc đào sâu, chăm chút cho một vài mối quan hệ thân thiết. Họ sẽ là người bên cạnh bạn những lúc khó khăn nhất đấy. Bên cạnh đó hãy nghĩ kỹ trước khi nói cũng đừng để sự “thân thiện quá mức” của mình gây ra những rắc rối cho bản thân và người khác.
– Nếu mức điểm của bạn trong mục này nói lên bạn là người hướng nội, hãy xem xét lại điểm của bạn đang ở mức độ nào nhé. Không nhất thiết bạn phải thay đổi con người mình để làm một người hướng ngoại, nhưng nếu điểm số quá thấp thì bạn sẽ gặp phải nhiều rắc rối đấy. Việc quá hướng nội khiến bạn tách ra khỏi đám đông. Trong công việc bạn cần phải tiếp xúc với nhiều người, có nhiều mối quan hệ cũng như liên tục làm việc nhóm. Việc quá khép kín sẽ khiến việc kết nối giữa bạn và phần còn lại trở nên khó khăn hơn. Không phải ai cũng có thể hiểu tính cách của bạn, nhưng đừng để bản thân mình cô lập, bạn sẽ gặp rắc rối từ việc bị hiểu sai, bị xa lánh hay tiến chậm hơn trong sự nghiệp. Điểm cộng cho người hướng nội là việc bạn rất sâu sắc, suy nghĩ nhiều cũng như tỉ mỉ, cẩn thận. Tận dụng tốt những đặc điểm này là lúc bạn có cho mình kết quả công việc tốt cùng những mối quan hệ vững bền.
– Hãy biết hướng nội và hướng ngoại hợp lý. Bạn không cần thay đổi bản thân mình thành một người hướng nội hay hướng ngoại, nhưng hãy học cách cải thiện những yếu điểm của mỗi nét tính cách để dễ dàng hơn trong cuộc sống.
Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp
– Người hướng ngoại với sự nhiệt tình, nhanh nhẹn và khả năng giao tiếp cho phép họ lựa chọn rất nhiều ngành nghề khác nhau. Như tài ăn nói hay việc yêu thích mở rộng mối quan hệ sẽ là điểm cộng rất lớn khi bạn tham gia sale, tiếp thị hay quan hệ quần chúng. Ngoài ra tư vấn viên, hướng dẫn viên hay tổ chức sự kiện,… đều là những môi trường năng động rất thích hợp với đặc trưng tính cách hướng ngoại là thích di chuyển, thích giao tiếp và làm quen với mọi người.
– Vậy người hướng nội thì sao? Đừng lo lắng, có rất nhiều lựa chọn dành cho bạn. Đặc điểm dễ thấy ở người hướng nội là việc họ thích ở một mình, do vậy hiệu suất công việc cũng sẽ tăng khi bản thân họ được chủ động làm công việc của mình. Một số nghề như biên tập, những nghề về viết lách, thiết kế hay lập trình, kế toán, hay thậm chí là những ngành về nghệ thuật, khoa học…đều đòi hỏi rất cao về khả năng làm việc độc lập, đề cao cái tôi, nét đặc sắc của cá nhân. Đây là những ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của người hướng nội. Ngoài ra sự tỉ mỉ, biết lắng nghe và sâu sắc của người hướng nội rất quan trọng và có ý nghĩa trong những ngành nghề về tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe,… nữa đấy.
Gợi ý cải thiện/phát triển nhóm tính cách
– Hãy thúc đẩy bản thân bước ra khỏi vùng an toàn: Nhìn nhận mỗi một cuộc gặp gỡ, mỗi nhóm bạn mới đều là một sự thử thách và nhiệm vụ của bạn là vượt qua nó. Bạn sẽ không biết cuộc gặp gỡ này mang lại cho bạn những điều tuyệt vời gì. Vì vậy hãy cứ thoải mái tâm trí, nở nụ cười trên môi và đón chào những mối quan hệ mới nào.
– Hãy thư giãn và thoải mái: Một nguồn năng lượng vui vẻ từ bên ngoài như một bộ phim hay một câu chuyện cười đều có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Một tâm trạng vui vẻ và thoải mái sẽ giúp bạn tự tin hơn, dễ dàng bắt chuyện hay gặp gỡ những người bạn mới đấy.
– Đặt mục tiêu từng bước nhỏ: Bạn không cần ngay lập tức đi gặp gỡ nhóm người hay tham gia buổi tiệc, hãy đặt những mục tiêu nhỏ hơn như kết bạn qua mạng xem sao. Nỗ lực này cần bạn thực hiện mỗi ngày, vì vậy đừng vội vàng và lo lắng quá bạn nhé.
– Sẵn sàng đón chờ những cảm xúc lo âu, bồn chồn: Đây là những cảm giác bạn khó tránh khi mới phá bỏ rào cản của bản thân. Thế nhưng chỉ cần vượt qua được bước đầu tiên, tất cả sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều đó. Hãy mặc kệ nó và tiếp tục bước đi, vì bạn còn có thể làm được nhiều hơn bạn nghĩ đó.
Hướng nội hay hướng ngoại đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Bởi vậy khi bạn hiểu được bản thân mình, bạn sẽ biết cách để có thể hướng nội, hướng ngoại phù hợp. Cố gắng lên bạn nhé, mỗi một bước hiểu mình là cách bạn đã tiến xa hơn rất nhiều rồi.
Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldberg
Website: Bigfive.vn

Nhóm tính cách 1: Tự chủ
06/11/2020 in Hướng nghiệp, Khám phá bản thân, Khám phá tính cách
Nhóm tính cách thứ nhất: Tự chủ (Conscientiousness)
1. Nét tính cách nổi bật
Hiệu quả/thiết lập với dễ dãi/bất cẩn
2. Khái niệm
Tự chủ là việc bạn có ý thức điều chỉnh hành vi sao cho hợp lý để đạt được mục tiêu. Nó đo lường các yếu tố như sự kiểm soát, kiềm chế và bền bỉ.
3. Đặc điểm nổi bật:
Những người có điểm cao ở yếu tố này thường là người có xu hướng làm việc một cách có hệ thống, có kế hoạch thay vì bộc phát. Bên cạnh đó họ cũng là những người đáng tin cậy, có trách nhiệm với công việc và kỷ luật với chính bản thân mình. Những người này luôn mong muốn kết quả làm việc ở mức tốt nhất do vậy họ luôn đặt cho mình những mục tiêu để đạt được thành tựu trong công việc. Tuy nhiên một số trường hợp họ lại được xem là người cứng đầu nhất. Một số đặc điểm mô tả rõ hơn về nét tính cách này bao gồm ngăn nắp, có hệ thống, cẩn thận, hoàn hảo, suy tính thiệt hơn. Ví dụ như việc sắp xếp đồ đạc, quần áo gọn gàng, sắp xếp sách vở, nội dung theo một trật tự nào đó,…Với nét tính cách này họ thường là người chăm chỉ, thậm chí là “cuồng công việc”, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, thậm chí là gây ra những tình trạng cưỡng chế.
Ngược lại những người có điểm thấp ở tính cách này thường là người dễ dãi, làm việc không theo kế hoạch hay mục tiêu nào cả. Bởi vậy năng suất thấp cũng như gặp khó khăn trong việc sắp xếp cuộc sống của mình một cách khoa học hơn. Đi kèm với đó là sự thiếu nghiêm khắc với bản thân, sự chỉn chu trong công việc bởi vậy nhận được ít sự tin tưởng.
4. Áp dụng kết quả
Liên hệ cuộc sống
– Dựa vào kết quả bạn có thể biết mức độ tự chủ của mình. Đây là một yếu tố vô cùng cần thiết để bạn có thể làm việc có hiệu quả và khoa học hơn.
– Nếu bạn đang có điểm thấp ở yếu tố này, có thể bạn chưa đủ nghiêm khắc với bản thân hay còn quá qua loa, bất cẩn trong công việc cũng như học tập.
– Tuy nhiên đừng để sự cầu toàn của bạn gây rắc rối cho người khác hay việc quá đam mê công việc khiến bạn mệt mỏi đi nhé.
Gợi ý lựa chọn nghề nghiệp
Bạn là người có sự tự chủ cao sẽ không khó để đạt được thành công vì bạn luôn biết cách đặt ra mục tiêu, lên kế hoạch và đạt được nó. Bạn chính là một nhà lãnh đạo tương lai, bởi vậy hãy biết phát huy nó bạn nhé. Những công việc đòi hỏi tính quản lý cao, khả năng lãnh đạo như các ngành quản trị, quản lý,… Hay những ngành nghề đòi hỏi kiến thức không ngừng, sự tỉ mỉ, chính xác cao như y học, nghiên cứu hay khoa học đều là những ngành bạn có thể tiến rất xa trong tương lai đấy.
Gợi ý cải thiện/phát triển nhóm tính cách
– Nếu bạn có khả năng tự chủ cao thì chúc mừng bạn, hãy luôn tự tin với những mục tiêu của mình và nỗ lực để đạt được nó nhé.
– Vậy nếu chỉ số này còn thấp? Bạn nên xem lại các hoạt động thường ngày của bản thân. Bắt đầu xây dựng mục tiêu và kế hoạch cho bản thân mình. Thực hiện từng bước và không nản lòng. Chỉ khi bản thân bạn nghiêm túc, bạn mới có thể đạt được điều mình mong muốn.
Tự chủ là một nét tính cách tốt, giúp cho cuộc sống của bạn rõ ràng và khoa học hơn khi luôn có kế hoạch cụ thể. Đừng bao giờ ngừng tìm kiếm mục tiêu hay để bản thân mình dễ dàng thỏa mãn, điều này sẽ khiến bạn dễ lạc hướng và thất bại đấy.
Nguồn tham khảo:
Website: Tâm lý học hành vi
“The Development of Markers for the Big-Five Factor Structure,” của Goldber
- « Trang trước
- 1
- …
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- Trang sau »