Thuyết RIASEC

Lí thuyết RIASEC do TS. John L. Holland (viết tắt là JH) xây dựng dựa trên 8 giả thiết, trong đó có 5 giả thiết cơ bản sau đây:

1. Giả thiết thứ nhất: Bất kỳ ai cũng thuộc vào một trong 6 kiểu người đặc trưng:

  • Realistic (R) – tạm dịch là người thực tế;
  • Investigate (I) – tạm dịch là nhà nghiên cứu;
  • Artistic (A) – nghệ sĩ;
  • Social (S) – tạm dịch là người công tác xã hội;
  • Enterprising (E) – tạm dịch là người dám làm
  • Conventional (C) – tạm dịch là người tuân thủ.

* Realistic (R) – Người thực tế

– Ham các loại hoạt động như điều khiển máy móc, đồ vật…, làm việc ngoài trời; – Rất coi trọng việc khen thưởng bằng vật chất khi có những thành công cụ thể; – Tự xem mình là kiểu người thực dụng, kiên định, khéo léo chân tay khi sử dụng các công cụ, máy móc hoặc trong hoạt động thể thao nhưng không khéo léo trong giao tiếp; – Được người ngoài nhìn nhận là người bộc trực; – Nghề phù hợp điển hình là nghề chăm sóc cây – con hoặc điều khiển, sử dụng, sửa chữa máy móc, nghề thủ công, huấn luyện viên thể hình, cảnh sát, cứu hoả…

* Investigate (I) – Nhà nghiên cứu

– Ham khám phá, hiểu biết nhằm có thể đoán nhận hoặc kiểm soát các hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội; – Rất coi trọng việc mở mang trí tuệ; – Tự xem mình là kiểu người dè dặt, hoài nghi, thích khám phá, lí giải, phân tích; hiểu rộng, suy nghĩ độc lập dựa vào lí trí; Khéo khai thác các ý tượng trừu tượng và giỏi giải quyết các vấn đề trí óc; – Được người ngoài xem là thông minh nhưng quan hệ không rộng rãi; – Nghề phù hợp điển hình là làm nhà khoa học, nhà nghiên cứu (địa chất, sử, dân tộc học…), bác sĩ, kĩ thuật viên y tế, kĩ thuật viên phòng thí nghiệm…

* Artistic (A) – Nghệ sĩ

– Ham các hoạt động văn học, nghệ thuật; – Coi trọng việc sáng tạo trong thể hiện ý tưởng, cảm xúc, tình cảm; – Tự nhìn nhận mình là người sẵn sàng thử nghiệm, sáng tạo cái mới; Khéo sử dụng trí tưởng tượng, trực giác và cảm xúc trong hoạt động nhưng vụng về trong tính toán và việc văn phòng; – Được người ngoài xem là kiểu người giàu sáng tạo nhưng phóng túng, ít chịu tuân thủ các quy định; – Nghề phù hợp điển hình là nghề viết văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nghệ sĩ biểu diễn (nhạc, kịch, hát múa…), hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc hay nhà thiết kế mẫu, giảng viên văn học…

* Social (S) – Người công tác xã hội

– Thích được giúp đỡ, tư vấn, phục vụ, giáo dục, giác ngộ người khác; – Coi trọng hạnh phúc, niềm vui của người xung quanh và các hoạt động xã hội; – Tự xem là người nhẫn nại, mềm mỏng, dễ cảm thông người khác; khéo léo trong giao tiếp nhưng không khéo léo khi phải điều khiển máy móc; – Được người ngoài xem là người dễ mến, cởi mở, ứng xử lịch thiệp; – Những nghề phù hợp điển hình là dạy học, y tá, bác sĩ nội khoa, nhà tư vấn, nhà xã hội học…

* Enterprising (E) – Người dám làm

– Thích thuyết phục, chỉ huy người khác; – Rất coi trọng thành quả vật chất và địa vị xã hội; – Tự xem là người có khả năng tổ chức, thuyết phục, buôn bán nhưng thiếu khả năng làm khoa học; – Được nhìn nhận là kiểu người năng động, giao thiệp rộng rãi, nhiều hoài bão, thích mạo hiểm và chấp nhận thử thách; – Nghề phù hợp điển hình là nhà lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, luật sư…

* Conventional (C) – Người tuân thủ

– Thích tuân thủ các quy định, làm việc theo những chỉ dẫn rành mạch, có quy chuẩn cụ thể; – Rất coi trọng thành tựu vật chất và vị trí, quyền lực; – Tự xem mình là người biết làm ăn nhưng không có khiếu nghệ thuật; – Được nhìn nhận là người kĩ lưỡng, chặt chẽ; – Nghề phù hợp điển hình là công tác ngân hàng, kế toán, thư kí văn phòng, biên tập viên…

Mỗi kiểu người trong 6 kiểu đặc trưng kể trên chỉ là mô hình lí thuyết. Trong thực tế không ai hoàn toàn chỉ mang trọn những đặc điểm đã được mô tả cho một kiểu người mà thôi, ngược lại mỗi người dù thuộc kiểu người này nhưng đều có những đặc điểm của các kiểu khác với mức độ mạnh yếu khác nhau. Chẳng hạn, có người thể hiện kiểu người trội nhất ở mình là R, sau đó là kiểu I mạnh thứ nhì, rồi đến kiểu A, sau đó là S, rồi E và yếu nhất là C. Khi đó, người này được mang code ký hiệu là RIASEC. Về mặt lí thuyết, có tất cả 6!= 720 kiểu người khác nhau mang code 6 chữ như RIASEC, IARSCE, SECIAR, CRISEA, AERISC, CISREA, EIRASC, v.v….
Chính điều này nói lên sự phức tạp, phong phú trong các kiểu người trong xã hội.

2. Giả thiết thứ hai: Có 6 loại môi trường ứng với 6 kiểu người nói trên.

  • Theo giả thuyết này thì có 6 loại môi trường tương ứng với 6 kiểu người R, I, A, S, E, C nói trên. Môi trường đây được hiểu là một tổ chức xã hội nào đó, có thể là nhóm làm việc, lớp học hoặc thậm chí là gia đình.
  • Môi trường tương ứng với kiểu người nào thì kiểu người ấy chiếm đa số trong số người thành viên của môi trường ấy. Chẳng hạn, một môi trường mà có đến hơn 50% số người có code S trội nhất thì đó là môi trường loại S.

3. Giả thiết thứ ba: Ai cũng tìm môi trường phù hợp cho phép mình thể hiện được kĩ năng, thái độ và hệ thống giá trị của mình, phụ trách những vấn đề và vai trò thú vị đối với mình.

  • Cá phải chọn môi trường nước để bơi, hổ phải tìm môi trường rừng để sống, con người cũng tìm môi trường làm việc thích hợp với tính cách, kĩ năng của mình để trưởng thành và khẳng định mình.
  • Ai cũng muốn làm việc phù hợp nhất với sở trường của mình, thú vị nhất đối với mình, chọn nơi mình có khả năng thành công nhất. Ngược lại, các cơ quan, công ty… muốn hoạt động thành công cũng tìm cách thu hút người thích hợp về làm việc cho mình và loại dần người không thích hợp ra.

4. Giả thiết thứ tư: Thái độ ứng xử của con người được quy định bởi sự tương tác giữa kiểu người của mình với các đặc điểm của môi trường.

Giả thiết này cho phép căn cứ vào kiểu người và loại môi trường mà người đó gặp phải để dự báo được người đó sẽ ứng xử ra sao. Chẳng hạn, một người mang code RIA mà được tuyển chọn vào môi trường RIA sẽ dễ dàng cảm thông với người xung quanh, mau bắt nhịp với yêu cầu công việc, được đồng nghiệp trên dưới vui vẻ chấp nhận và chắc là sẽ có nhiều cơ hội thành công. Nhưng nếu đưa anh ta vào môi trường SEC chẳng hạn, anh ta sẽ ứng xử một cách khó khăn với đồng nghiệp vì thấy ít người và ít việc hợp với mình, từ đó mà khó tìm thấy hứng thú trong công tác, trở nên ít gắn bó với cơ quan và sẽ có tâm lí “đứng núi này trông núi nọ”.

 

5. Giả thiết thứ năm: Mức độ phù hợp giữa một người với môi trường có thể được biểu diễn trong mô hình lục giác Holland

Có 4 mức phù hợp giữa kiểu người và loại môi trường:

  • Kiểu người nào làm việc trong môi trường nấy là mức phù hợp cao nhất, ví dụ như kiểu người A làm việc trong môi trường A;
  • Người nào làm việc trong môi trường cận kề với kiểu người của mình (cùng một cạnh của lục giác), ví dụ như R-I (người kiểu R làm việc trong môi trường I) là mức độ phù hợp thứ nhì;
  • Người nào làm việc trong môi trường cách 1 đỉnh của lục giác ví dụ I–C (kiểu người I làm việc trong loại môi trường C) sẽ có mức phù hợp thứ 3;
  • Còn kiểu ít phù hợp nhất là khi kiểu người và loại môi trường nằm ở 2 đỉnh đối xứng trong lục giác Holland, ví dụ R-S hay E–I hay A–C (Xem hình vẽ lục giác Holland dưới đây).

 

Mô hình lục giác Holland
Mô hình lục giác Holland

Người ta còn xác định được đến 28 mức phù hợp với kiểu người và loại môi trường với code 3 chữ.

  • Người mang code S rất thích tiếp xúc với người và thấy khó khăn khi tiếp xúc với vật thể ngược hẳn với người có code R;
  • Kiểu người có code E thì thích tiếp xúc với dữ liệu và con người hơn, trong khi kiểu người có code I lại thích tiếp cận với ý tưởng và vật thể hơn;
  • Kiểu người có code C thích tiếp xúc với dữ liệu và vật thể hơn ngược lại kiểu người code có A lại thích tiếp xúc với ý tưởng và con người hơn.

Chỉ xét người mang đặc trưng chính là R và có thêm một đặc trưng phụ là một trong 5 chữ cái còn lại, ta đã có 5 kiểu người khác nhau về code 2 chữ như sau đây: RI, RA, RS, RE, RC. Như vậy xếp theo 2 đặc trưng (1 chính và 1 phụ), ta có 5 x 6 = 30 kiểu người khác nhau. Các cuộc thử nghiệm ở nước Mỹ cho thấy có sự khác nhau khá rõ về cách phân phối các kiểu người theo giới tính và tuổi tác. Riêng về học sinh THPT, kết quả thử nghiệm cho biết nam sinh thiên về kiểu người mang code RE, RI, ES và hầu như không có nam sinh mang code AC hay CA; Nữ sinh thì thiên về code SE, SA, SI và rất ít em có code CR, RC, RS hay RI.

 

Trắc nghiệm nghề nghiệp Holland

Mức phù hợp giữa kiểu người và đối tượng tác động

 

 

Hãy đánh giá chất lượng bà viết giúp chúng tôi

Responses

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *