Danh mục nghề nghiệp Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg

Danh mục nghề nghiệp Việt Nam có hiệu lực 15/01/2021

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục nghề nghiệp Việt Nam (kèm theo Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg). Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2021.

Danh mục nghề nghiệp được phân loại dựa trên các khái niệm sau:

  • Công việc cụ thể (job): là công việc được thể hiện bằng tập hợp các nhiệm vụ và trách nhiệm gắn liền với phương tiện do con người (người chủ hoặc người tự làm) thực hiện.
  • Nghề nghiệp (Occupation): là tập hợp các công việc cụ thể (job) giống nhau về các nhiệm vụ hoặc mức độ tương đồng cao về nhiệm vụ chính.
  • Danh mục nghề nghiệp: là việc sắp xếp mã hóa các nghề nghiệp vào các nhóm có cùng kỹ năng được thông qua học tập hoặc kinh nghiệm.
  • Kỹ năng: là khả năng thực hiên các nhiệm vụ của một việc làm nhất định.

Kỹ năng được chia thành: cấp độ kỹ năng và kỹ năng chuyên môn.

  1. Cấp độ kỹ năng thể hiện độ khó, độ phức tạp trong việc thực hiện nhiệm vụ. Cấp độ kỹ năng được chia thành 5 cấp:
    • Cấp độ kỹ năng 1: Nhiệm vụ đơn giản, chỉ đòi hỏi sức khỏe, biết tính toán;
    • Cấp độ kỹ năng 2: Nhiệm vụ đòi hỏi biết về chuyên môn của công việc, có trình độ chuyên môn nhất định tương đương sơ cấp;
    • Cấp độ kỹ năng 3: Nhiệm vụ phức tạp hơn, đòi hỏi chuyên môn cao hơn cấp độ kỹ năng 2, tương ứng với trình độ trung cấp hoặc cao đẳng;
    • Cấp độ kỹ năng 4: Nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có chuyên môn sâu, tương ứng với trình độ đại học
    • Cấp độ kỹ năng 5: Nhiệm vụ phức tạp nhất, đòi hỏi có chuyên môn sâu, rộng, tương ứng với trình độ sau đại học
  2. Kỹ năng chuyên môn bao gồm: lĩnh vực chuyên môn (tương ứng các nhóm ngành nghề đào tạo) mà công việc đòi hỏi, các công cụ máy móc đã sử dụng, các nguyên liệu vật liệu dùng trong sản xuất và loại sản phẩm và dịch vụ đã làm ra.

 

Danh mục nghề nghiệp Việt Nam được chia thành 5 cấp:

  • Cấp 1: Cấp độ kỹ năng.
  • Cấp 2 đến cấp 5: Lĩnh vực chuyên môn.

Nội dung của Danh mục nghề nghiệp Việt Nam

Giải thích rõ các nghề, bao gồm: mô tả chung, nhiệm vụ chủ yếu, ví dụ, loại trừ.

Tóm tắt 10 nhóm nghề cấp 1

(1) Lãnh đạo, quản lý trong các ngành, các cấp và các đơn vị

Nhóm này bao gồm những nhà lãnh đạo, quản lý làm việc trong các ngành, các cấp và trong các đơn vị có giữ các chức vụ, có quyền quản lý, chỉ huy, điều hành từ trung ương tới cấp xã.

(2) Nhà chuyên môn bậc cao

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm ở trình độ cao (đại học trở lên) trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, sức khỏe, giáo dục, kinh doanh và quản lý, công nghệ thông tin và truyền thông và luật pháp, văn hóa, xã hội.

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng bốn và năm.

(3) Nhà chuyên môn bậc trung

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm ở trình độ bậc trung (cao đẳng, trung cấp) về các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, sức khỏe, kinh doanh và quản lý, luật pháp, văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông và giáo viên.

Xem  Hướng dẫn cách chọn tổ hợp môn lớp 10: Lựa chọn đúng cho tương lai

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng ba.

(4) Nhân viên trợ lý văn phòng

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để tổ chức, lưu trữ, tính toán và truy cập thông tin. Các nhiệm vụ chính của nhóm này bao gồm việc thực thi các công việc thư ký, xử lý văn bản, vận hành các máy móc, thiết bị văn phòng, ghi chép và tính toán số liệu bằng số và thực hiện các nhiệm vụ văn phòng theo định hướng của khách hàng (như làm các công việc có liên quan đến các dịch vụ thư tín, chuyển tiền, bố trí du lịch, thông tin thương mại và giao dịch khác).

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng hai.

(5) Nhân viên dịch vụ và bán hàng

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong việc cung cấp các dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán các sản phẩm tại các cửa hàng, cửa hiệu hoặc tại chợ. Các nhiệm vụ chính của nhóm này bao gồm việc cung cấp các dịch vụ có liên quan đến việc du lịch, trông coi nhà cửa, cung cấp lương thực, thực phẩm, phục vụ vui chơi giải trí, quản lý khách sạn, chăm sóc cá nhân, bảo vệ tính mạng và tài sản, duy trì luật pháp và luật lệ hoặc bán sản phẩm tại các cửa hàng, cửa hiệu và tại chợ.

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng hai.

(6) Lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong việc sản xuất ra các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp. Các nhiệm vụ chính bao gồm trồng trọt, nuôi hoặc săn bắt động vật, nuôi hoặc đánh bắt thủy sản, bảo vệ và khai thác rừng, bán các sản phẩm cho khách hàng và tổ chức tiếp thị. Để phân biệt lao động trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thuộc nhóm này với lao động giản đơn (nhóm 9) ta thường căn cứ vào 2 tiêu chí: (1) biết lập kế hoạch và (2) biết sử dụng máy móc cho công việc.

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng hai.

(7) Thợ thủ công và các nghề nghiệp có liên quan khác

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm cần thiết của những người công nhân kỹ thuật hoặc thợ thủ công lành nghề, trong đó họ phải có hiểu biết về tất cả các công đoạn của dây chuyền sản xuất, kể cả phải hiểu biết các đặc điểm và công dụng của sản phẩm cuối cùng làm ra. Các nhiệm vụ chính bao gồm việc chiết hoặc xử lý các nguyên liệu thô; chế tạo và sửa chữa hàng hóa; máy móc; xây dựng, bảo trì và sửa chữa đường xá, nhà cửa, các công trình xây dựng khác; tạo ra các sản phẩm và các mặt hàng thủ công khác nhau.

Xem  Nhóm tố chất 4: Thể chất

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng hai.

(8) Thợ vận hành và lắp ráp máy móc, thiết bị

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong việc vận hành và giám sát các máy móc thiết bị công nghiệp với sự hiểu biết đầy đủ về các máy móc, thiết bị sử dụng trong công việc. Các nhiệm vụ chính bao gồm việc vận hành và giám sát các máy móc thiết bị trong khai thác mỏ, trong công nghiệp và xây dựng và trong xử lý sản phẩm và sản xuất; lái các phương tiện giao thông; lái và vận hành các máy móc, thiết bị di động và lắp ráp các chi tiết thành phần thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng hai.

(9) Lao động giản đơn

Nhóm này bao gồm những nghề đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm cần thiết trong việc thực hiện các công việc đơn giản và đơn điệu, bao gồm việc sử dụng các công cụ cầm tay, trong nhiều trường hợp thì sử dụng khá nhiều sức cơ bắp và trong một số trường hợp ngoại lệ thì có sử dụng đến khả năng phán đoán và sáng tạo cá nhân một cách hạn chế. Các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm việc bán hàng hóa trên đường phố, gác cổng, gác cửa và trông coi tài sản, lau, chùi, quét dọn, giặt, là và làm các công việc phổ thông trong các lĩnh vực khai thác mỏ, nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng, công nghiệp.

Hầu hết các nghề thuộc nhóm này đòi hỏi cấp độ kỹ năng thứ nhất.

(10) Lực lượng vũ trang

Nhóm này bao gồm tất cả những người thực hiện đang phục vụ trong quân đội, công an kể cả lực lượng hậu cần, không phân biệt phục vụ tự nguyện hay bắt buộc và do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

Không được kể là lực lượng vũ trang đối với những người là lao động dân sự nhưng đang làm những công việc có liên quan đến an ninh, quốc phòng, hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư, những người không phải là quân đội, công an nhưng được trang bị vũ trang cùng tất cả những người tuy trước đây là quân nhân, công an nhưng nay đã chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ.

Nhóm này đòi hỏi ở tất cả các cấp độ kỹ năng.

Chi tiết danh mục nghề nghiệp Việt Nam và giải thích các nghề thuộc danh mục nghề nghiệp Việt Nam được quy định chi tiết tại Phụ lục I và Phần II Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 34/2020/QĐ-TTg. Xem tại đây

 

4.8/5 - (163 bình chọn)

Responses

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

×